Ôn Tập Thơ Trung Đại Việt Nam : Văn Hóa “Quy Ẩn” Của Các Nhà Nho

Hệ thống kiến thức chuyên đề thơ trung đại – Ngữ Văn 7 nâng cao

1. Khái niệm thơ trung đại

Thơ trung đại là hình thức thơ ca cổ điển, sáng tác trong thời kì phong kiến (từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX).

Bạn đang xem: Thơ trung đại việt nam

– Về ngôn ngữ và văn tự : Thơ trung đại sử dụng hai ngôn ngữ : Hán và Nôm, trong đó thơ chữ Hán là chủ đạo. Thơ chữ Hán chủ yếu tập trung vào đề tài yêu nưởc, nói chí, tỏ lòng, dùng trong hình thức thi cử, ngâm hoạ, sách vở. Thơ Nôm ra đời muộn hơn (thế kỉ XV có thành tựu trong sáng tác của Nguyễn Trãi – Quốc âm thi tập). Thơ Nôm chủ yếu vể những đề tài thế sự : tâm sự yêu nước, thương dân, thơ về đời sống sinh hoạt, vui buồn trong con đường quan lộ hay lúc ẩn dật… Thơ Nôm xuất hiện sau nhưng đạt nhiều thành tựu quan trọng và kết tinh ở nhiều tác giả : Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương…


– Về hình thức thơ : Thơ trung đại vay mượn hầu hết các hình thức thơ ca cổ điển Trung Hoa. Tất cả các thể thơ Trung Hoa ra đời một thời gian đều có mặt và được vận dụng ở Việt Nam. Thơ Đường luật (tứ tuyệt, thất ngôn bát cú), các thể thơ cổ phong, ca, hành… đều có mặt trong bức tranh tổng thể thơ ca Việt Nam. Tuy

nhiên, sự vận dụng các hình thức thể thơ này ở Việt Nam cũng hết sức linh hoạt : Thơ thất ngôn của Nguyễn Trãi thường mở đầu có 6 tiếng, cách gieo phần, phá luật cũng được sử dụng thường xuyên, để tạo nên diện mạo thơ Việt có nét đặc sắc riêng.

2. Về nội dung

Thơ trung đại chủ yếu có các nội dung như sau :

2.1. Ca ngợi tư tưởng trung quân, ái quốc

Văn học trung đại quan niệm “văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí” (Văn dùng để truyền đạt đạo lí, thơ để nói chí khí), các sáng tác đã thể hiện được tinh thần, tư tưởng của thời đại. Đó là quan niệm về tư tưởng trung quân ái quốc, đề cao các phạm trù đạo đức trung, hiếu, lễ, trí, tín… Thơ ca ra đời với chức năng tuyên ngôn về tinh thần yêu nước. Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt mở đầu cho truyền thống đó, bằng việc khẳng định độc lập chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ về cương vực, lịch sử, văn hoá,.. Những cơ sở vững chắc đó tạo nên niềm tin và sức mạnh chiến thắng cho quân và dân nhà Lí đánh bại cuộc xâm lăng của nhà Tống. Sức mạnh tinh thần của truyền thống mang tính thần kì đã cụ thể hoá, hiện hữu thành sức mạnh của thời đại. Phò giá về kinh lại âm vang khúc ca chiến thắng khi Trần Quang Khải trực tiếp phò giá hai vua về kinh thành. Bài thơ đã nêu cao tinh thần chiến thắng, cảm nhận về chiến công cũng như ý thức trách nhiệm về việc bảo vệ quốc gia dân tộc thời chiến cũng như thời bình. Bài thơ ra đời trong không khí sôi nổi, tự hào của chiến thắng, của hào khí Đông A (hào khí đời Trần), mang âm vang hào hùng của thời đại, với giọng điệu tho sảng khoái.

2.2. Ca ngợi phong cảnh quê hương đất nước, công tích của triều đại

Bên cạnh việc thể hiện tình yêu nước, tự hào về truyền thống anh hùng, thơ thể hiện tình yêu với thiên nhiên, với cảnh vật của đất nước của mỗi miền quê, bộc lộ niềm tự hào về những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Tiêu biểu có các bài : Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, Bài ca Côn Sơn.

Bài thơ Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra thể hiện hồn thơ thắm thiết tình quê của Trần Nhân Tông. Lời thơ tả cảnh chiều trong thôn :

– Sau thôn trước thôn đều mờ mờ như khói phủ

Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có nửa như không

Cảnh vật hiện ra không rõ nét, nửa hư nửa thực mờ ảo. Đó là cảnh chiều muộn, cảnh vật nhạt nhoà trong sương, thể hiện vẻ đẹp mơ màng, yên tĩnh nơi thôn dã.

Đó là một phần do cảnh thực, một phần do cảm nhận riêng của tác giả. Điều đó cho thấy tâm hồn nhạy cảm của vua Trần Nhân Tông, tuy ở ngôi cao nhưng tâm hồn vẫn rất tinh tế trước cảnh đẹp bình dị của đồng quê. Cảnh chiều ngoài cánh đồng được tả qua tiếng sáo của trẻ mục đồng :

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết

Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Chiều xuống, từ cánh đồng, trâu theo tiếng sáo của trẻ về làng, xuất hiện cánh cò bay liệng. Nhà thơ cảm nhận cảnh vật bằng nhiều giác quan khác nhau qua tiếng sáo (thính giác), cò trắng (thị giác). Nếu ở hai dòng thơ đầu, cảnh vật yên tĩnh, không có chuyển động thì ở hai dòng cuối, không gian cảnh vật thêm phần sinh động nhờ âm thanh và hoạt động của sự vật. Hình ảnh “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” đã có tác dụng tạo ra không gian khoáng đãng, yên ả, cao rộng, trong sạch. Qua đó, nhà thơ cho thấy sự hài hoà giữa con người với thiên nhiên, chan hoà cảm giác thân quen, gần gũi.

Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi là sự hoà nhập của nhà thơ với cảnh trí Côn Sơn. Những cảnh vật của Côn Sơn được nhắc tới trong bằi thơ rất tiêu biểu : suối, đá, thông, trúc. Nhà thơ đã có cách miêu tả rất tài tình : tả suối bằng âm thanh (rì rầm), tả đá bằng màu sắc (rêu)… gợi ra khung cảnh thiên nhiên lâu đời nguyên thuỷ, gợi cảm giác thanh cao, mát mẻ, trong lành. Tác giả đã ca ngợi cảnh đẹp Côn Sơn bằng tình cảm, cảm nhận của người yêu và hiểu thiên nhiên Côn Sơn chứ không phải như một khách du lịch thoảng qua. Do đó thiên nhiên trở nên sinh động, gần gũi, và đáng được trân trọng. Tiếng suối được so sánh với tiếng đàn cũng là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Trãi vượt qua thi pháp trung đại luôn lấy thiên nhiên làm chuẩn mực! Nhà thơ đã lấy âm thanh của sự sống, của con người để mô tả tiếng suối, gợi ra sự sống, sự ấm áp của con người. Và đó là thiên nhiên đáp ứng tất cả nhu cầu đời sống và thẩm mĩ của nhà thơ : ta nghe, ta ngồi, ta tìm, tạ nằm, ta ngâm thơ… Một loạt các động từ phía sau chủ thể ta đã nhấn mạnh sự có mặt của tác giả ở mọi cảnh đẹp của Côn Sơn, khẳng định tư thế làm chủ của con người trước thiên nhiên, đồng thời cũng là nhu cầu hoà hợp với thiên nhiên, nhu cầu tìm kiếm sự thanh thản cho tâm hồn.

Bài thơ ca ngợi cảnh đẹp Côn Sơn, con người giữa thiên nhiên tươi đẹp, cũng cho thấy Nguyễn Trãi là người yêu quý thiên nhiên có tâm hồn thanh cao, giàu cảm xúc và nhân cách trong sáng của nhà thơ.

2.3. Thơ thế tục phản ánh tâm sự của nhà thơ về thời cuộc, về vận nước, về những điều mắt thấy tai nghe, về những thân phận bất hạnh

Tình yêu nước trong thời đại Lí – Trần, Lê mang âm vang hào sảng thì đến giai đoạn sau lại sâu lắng, gắn với nỗi niềm đau đáu của thi sĩ trong cảnh nước mất nhà tan. Đó là sự ngậm ngùi, là nỗi niềm nhớ nước thương nhà của Bà huyện thanh quan trước cảnh mây trời, núi non hùng vĩ của dân tộc.

Nếu như thơ chữ Hán phù hợp với những tư tưởng chính thống, trung quân ái quốc thì thơ chữ Nôm lại giàu giá trị nhân văn khi viết về cuộc sống đời thường và thân phận con người. Thơ thể hiện niềm xót thương với cuộc đời và số phận của con người, đặc biệt người phụ nữ. Truyện Kiều, thể loại ngâm khúc (Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm) cùng với thơ Hồ Xuân Hương là những thành tựu nổi bật của văn học chữ Nôm, thơ nôm. Người phụ nữ với phẩm chất cao đẹp, thủy chung, son sắt, tràn đầy tình yêu thương lại là những nạn nhân đau khổ nhất của chế độ phong kiến. Họ bị khinh rẻ, bị tước đoạt quyền sống, quyền được yêu, được hạnh phúc. Những sáng tác thơ Nôm đã lên tiếng bảo vệ, bênh vực cho những thân phận đó.

Qua đoạn trích Sau phút chia li, tác giả cho thấy cảnh ngộ chia li của lứa đôi đầy bi kịch giữa thời loạn lạc. Nỗi lòng của người chinh phụ là vấn đề thân phận người phụ nữ, là tiếng lòng của họ và cũng là tiếng nói phản kháng chiến tranh, bộc lộ khát vọng về hạnh phúc và hoà bình.

Thơ Nôm của Hồ Xuân Hương thể hiện một thái độ vừa trân trọng đối với vẻ xinh đẹp, phẩm chất trong trắng, son sắt, thuỷ chung, vừa cảm thương cho thân phận chìm nổi bấp bênh, bị lệ thuộc vào người đàn ông qua bài Bánh trôi nước. Bài thơ có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc : Trân trọng phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam và cảm thương sâu sắc cho thân phận chìm nổi của họ.

Bên cạnh đó, thơ thể hiện tình yêu với thiên nhiên, với cảnh vật của đất nước của mỗi miền quê, bộc lộ niềm tự hào về những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc.

Bạn đến chơi nhà thuộc về giai đoạn cuối của thời trung đại, với khuynh hướng tự sự về đời thường rõ nét hơn. Bài thơ là một tình huống đời thường của Nguyễn Khuyến khi có bạn đến chơi, là tiếng lòng của nhà thơ vừa có chút ngậm ngùi về gia cảnh, vừa có tiếng cười vui hóm hỉnh, chân thành. Nhà thơ đã chân thành mô tả cảnh nghèo của mình : tất cả trong một chữ không, không có bất cứ thứ gì để tiếp đãi bạn đến thăm. Trong cách kể lể của ông già ở ẩn có điều gì đó lúng túng, tội nghiệp, đáng thương : nhà thơ như đang tìm xung quanh, cố gắng tìm ra thứ gì đó đãi bạn, tiếp bạn cho đúng phong tục. Nhưng cuối cùng chỉ còn lại tấm lòng của nhà thơ đối với bạn. 

3. Về nghệ thuật

Thơ trung đại mang tính ước lệ, tượng trưng trong thủ pháp miêu tả. Mỗi sự vật, hiện tượng hiện lên trong thơ mang diện mạo, kích thước khác với sự tồn tại của chúng trong đời sống. Chẳng hạn miêu tả vẻ đẹp của Thuý Kiều “Làn thu thuỷ nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, miêu tả Từ Hải “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm thước rộng thân mười thước cao”.

Thứ hai, thơ trung đại mang tính tập cổ, trong ngôn ngữ, sử dụng nhiều những điển cố, điển tích. Chẳng hạn trong đoạn Sau phút chia li, những danh từ Tiêu TươngHàm Dương được nhắc đi nhắc lại 3 lần, mang sức nặng của ngôn từ để biểu hiện sự xa cách của hai vợ chồng. Việc sử dụng những từ Hán, điển cố điển tích tạo nên cho thơ tính uyên bác, lời ít ý nhiều và do đó cũng đòi hỏi ở người đọc sự hiểu biết về những ngữ liệu đó. Phần bài học thông qua các bản dịch cho nên phải có hình thức đối chiếu với nguyên tác để có thể tìm hiểu ý nghĩa, cách sử dụng từ ngữ của tác giả.

Với những hình thức thơ cổ điển niêm luật chặt chẽ, thơ trung đại có sự hài hoà, cân đối, bố cục chặt chẽ. Mỗi bài thơ tứ tuyệt 28 chữ hay thất ngôn 56 chữ, toàn bộ nội dung, tư tưởng được dồn nén trong câu chữ nên rất sâu sắc.

Các nhà Nho, những người có nhân cách, phẩm chất đã từ bỏ chức vị, danh vọng, trở về quê nhà ở ẩn, sống cuộc đời thanh bạch để giữ gìn khí tiết, cốt cách của mình.


Thế nhưng khi: “Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn/Dòng đời quanh nữa nước non quanh” (Bảo kính cảnh giới - Bài 9) thì Nguyễn Trãi không thể khoanh tay đứng nhìn bè lũ nịnh thần chia bè kết cánh, hoành hành khắp mọi nơi: “Ung dung cứ nói điều ta thích/Uốn gối theo đời không thể vâng” (Mạn hứng - Bài 2).

Nhà thơ đã cáo quan về ở ẩn tại quê nhà từ hoàn cảnh xã hội và sự tự nhận thức, thôi thúc của tâm hồn mình: “Về đi sao chẳng sớm toan/Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi/Muôn chung chín vạc làm gì/Cơm rau nước lã nên tùy phận thôi” (Côn Sơn ca).

Để rồi, khi trở về quê hương, ông hòa mình vào cuộc sống thanh bạch, bình dị, gần gũi với nhân dân, xóm giềng: “Lụp xụp lều tranh bé cửa hiên/Nhà quan tưởng chốn ẩn người hiền” (Tức sự).

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), tên hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử. Nguyễn Bỉnh Khiêm được biết đến là một nhà Nho có tư cách đạo đức, tài thơ văn, một nhà giáo có tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Sau 8 năm làm quan tại triều đình, sau khi ông dâng sớ xin nhà vua chém đầu 18 tên lộng thần nhưng không được vua chấp thuận, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cáo quan về ở ẩn tại quê nhà.

Điều này được ông gửi gắm bao điều tâm sự trong những sáng tác thơ ca: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn, người tới chốn lao xao” (Nhàn). Nguyễn Bỉnh Khiêm tự coi mình là kẻ dại khờ giữa xã hội đầy rẫy những kẻ bon chen, nịnh bợ, giành giật. Ông tìm về nơi thanh vắng chốn quê nhà để rời xa chốn quan trường đầy thị phi, tìm về để có được sự thư thái trong tâm hồn: “Chốn điền viên cũ dầu thong thả/Đạo Thánh hiền xưa luống chốc mòng” (Nhân tình thế thái - Bài 15).

Sống nhàn tản tích cực

Rời xa chốn quan trường, các nhà Nho đã trở về nơi thôn quê, hòa mình vào cuộc sống thanh bạch, giản dị mà tươi đẹp chốn điền viên. Họ đã tìm được thú vui nhàn tản, được làm được điều mình thích, sống thuận theo tự nhiên và hòa mình vào thiên nhiên.

Khi trở về ở ẩn tại Côn Sơn, Nguyễn Trãi đã tìm được không gian sống dân dã, bình dị và tìm được những giây phút thư thái, hiếm có trong cuộc đời: “Rồi, hóng mát thuở ngày trường/Hòe lục đùn đùn tán rợp giương” (Bảo kính cảnh giới - Bài 43).

Ông đã cảm nhận được bức tranh quê ngồn ngộn sức sống, thấy cuộc sống làng quê yên ả, thanh bình: “Ao cạn vớt bèo cấy muống/Trì thanh phát cỏ ương sen” (Thuật hứng - Bài 24). Nhà thơ lắng nghe được những thanh âm của thiên nhiên, sống hòa mình vào thiên nhiên để quên đi những ưu phiền, bụi bặm: “Côn Sơn có đá rêu phơi/Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm/Trong ghềnh thông mọc như nêm/Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm/Trong rừng có bóng trúc râm/Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn” - (Côn Sơn ca).

Còn đối với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi trở về nơi quê nhà, ông hóa thân vào một lão nông vác cần câu đi câu cá, vác mai, vác cuốc đi làm đồng để vui thú với điền viên: “Một mai, một cuốc, một cần câu/Thơ thẩn dầu ai vui thú nào” (Nhàn).

Ông tìm ở nơi ấy một triết lý sống, đó là sống thuận theo tự nhiên, mỗi mùa đều có những thú vui, những sản vật cho con người vẫy vùng, thưởng ngoạn: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/Xuân tắm hồ sen,hạ tắm ao” (Nhàn). Nhờ đó, danh lợi đối với Nguyễn Bỉnh Khiêm nhẹ bẫng như cơn gió, tâm hồn được thảnh thơi, nhẹ nhõm: “Cuộc cờ đua chí dù cao thấp/Ta muốn thanh nhàn thú vị ta” (Thú nhàn).

Khi cáo quan về quê nhà, Nguyễn Công Trứ dường như không còn nghĩ đến công danh, bổng lộc hay những vướng bận chốn quan trường, ông tìm cho mình cách sống “ngất ngưởng” tự do, tự tại. Một mặt ông không hề hổ thẹn về công danh, sự nghiệp mình đã làm được, mặt khác, ông thích làm những điều mình thích, không hề bị ràng buộc bởi lễ giáo: “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng/...Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/ Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.../ Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng...” (Bài ca ngất ngưởng).

Mặc kệ cho người đời có là ai, Nguyễn Công Trứ luôn sống thật là mình, khẳng định mình, không bị bất cứ ai, điều gì chi phối: “Ai say, ai tỉnh, ai thua được/Ta mặc ta mà, ai mặc ai” (Cầm kì thi tửu - Bài 1).

Đau đáu tấm lòng yêu nước thương dân

“Thân nhàn nhưng tâm không nhàn”, đó là điều chúng ta cảm nhận được ở nhà Nho Nguyễn Trãi. Mặc dù có lúc, có thời điểm ông cáo quan về ở ẩn tại Côn Sơn nhưng ông luôn đau đáu hướng về đất nước, về nhân dân.

Tình cảm đó luôn trào dâng, cuồn cuộn trong tâm hồn: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ/Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” (Thuật hứng - Bài 5). Nguyễn Trãi từng mong ước có cây đàn của vua Thuấn để gảy khúc Nam phong, mong muốn cho nhân dân khắp nơi, khắp chốn được ấm no hạnh phúc: “Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/Dân giàu đủ khắp đòi phương” (Bảo kính cảnh giới - Bài 43).

Tấm lòng yêu nước thương dân của Nguyễn Trãi được thử thách qua thời gian, dù có trải qua biết bao đổi thay của thời thế nhưng trong tâm hồn ông vẫn vẹn nguyên lòng trung hiếu của một nhà Nho: “Bui có một lòng trung lẫn hiếu/Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen” (Thuật hứng - Bài 24).

Nhà thơ Nguyễn Khuyến hòa mình vào làng cảnh của đồng bằng Bắc bộ khi cáo quan nhưng lúc nào trong lòng ông cũng canh cánh ơn vua, nợ dân, nợ nước: “Ơn vua chưa chút đền công/Cúi xuống hổ đất, ngửa trông thẹn trời” (Di chúc).

Trong tâm hồn của Tam Nguyên Yên Đổ dường như chất chứa những uẩn khúc, những nghĩ suy và lo lắng cho thời cuộc: “Tựa gối buông cần lâu chẳng được/Cá đâu đớp động dưới chân bèo” (Thu điếu). Cảnh tĩnh lặng mà tâm hồn đang trào dâng biết bao nỗi niềm, phải chăng đó là tấm lòng yêu nước thương dân, tư tưởng theo ông suốt cả cuộc đời.

Tư tưởng sống nhàn tản mà tích cực của các Nho sĩ luôn được gửi gắm trong những sáng tác thơ ca, một tư tưởng nhân sinh tiến bộ trong văn học Việt Nam thời trung đại. Đó có thể là những lời tự trào, là những cảm hứng tự nhiên, là những ẩn ý được gửi gắm trong câu chữ. Đọng lại trong tư tưởng ấy là tấm lòng yêu nước thương dân luôn đau đáu khôn nguôi trong tâm hồn của những nhà Nho.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

x

Welcome Back!

Login to your account below

Retrieve your password

Please enter your username or email address to reset your password.